Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025
Chiều 10/1, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài tham dự và có phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Tham dự hội nghị còn có ông Phạm Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ cùng các Phó Cục trưởng, các lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Cục.
Tổng kết các nhiệm vụ đã hoàn thành trong năm 2024
Về xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, ông Trịnh Văn Thuận cho hay, năm 2024, Cục ATMT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chủ trì xây dựng và ban hành 14 văn bản quy phạm pháp luật, gồm: 1 Nghị định, 13 Thông tư, trong đó có 11 Thông tư ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (chiếm 34,1% - 14/41 tổng số Nghị định, Thông tư ban hành của cả Bộ theo kế hoạch đề ra từ đầu năm).
Ngoài ra, trong năm 2024 Cục ATMT còn được giao chủ trì xây dựng Chương VIII - “Bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện” tại Luật Điện lực sửa đổi; phối hợp trong quá trình xây dựng Chương VI, đặc biệt Điều 60 - “An toàn, vệ sinh lao động và kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản” tại Luật Địa chất Khoáng sản sửa đổi. 2 Luật trên đã chính thức được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp lần thứ VIII vào cuối tháng 11/2024.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
“Hiện tại, Cục ATMT đang khẩn trương tiến hành xây dựng để trình cấp thẩm quyền ban hành 1 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện và 2 Thông tư: Quy định về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện (dự kiến hoàn thành và có hiệu lực từ ngày 1/2/2025)”, ông Trịnh Văn Thuận nhấn mạnh.
Đồng thời, Cục ATMT đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các nội dung về an toàn vệ sinh lao động và kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản trong Nghị định quy định chi tiết Luật Địa chất và Khoáng sản, Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về lập và phê duyệt kế hoạch quản lý rủi ro trong khai thác khoáng sản (hoàn thành trong tháng 5/2025).
Ông Trịnh Văn Thuận, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp phát biểu tại Hội nghị.
Thông tin về công tác thanh tra, kiểm tra, Phó Cục trưởng chỉ ra: Trong năm 2024, Cục ATMT hoàn thành thanh tra chuyên ngành tại 4 đơn vị về việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn điện, quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện; an toàn trong khai thác, chế biến than, khoáng sản và vật liệu nổ công nghiệp.
“Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kiểm tra tại 90 đơn vị theo kế hoạch và chuyên đề do Lãnh đạo Bộ giao tại Quyết định số 3308/QĐ-BCT và các văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp thẩm quyền liên quan”, ông Trịnh Văn Thuận nêu rõ.
Báo cáo công tác kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, ông Trịnh Văn Thuận cho biết thêm: Về an toàn kỹ thuật, an toàn vệ sinh lao động và phòng cháy chữa cháy, trong năm 2024 công tác thẩm định, chấp thuận các Chương trình quản lý an toàn; Báo cáo đánh giá rủi ro; Kế hoạch ứng phó sự cố, ứng cứu khẩn cấp của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thuộc chức năng quản lý theo quy định của pháp luật,… đang được thực hiện theo quy định.
Tham gia thẩm định thiết kế cơ sở, các giải pháp kỹ thuật an toàn trong các dự án đầu tư; tham gia Hội đồng thẩm định Kế hoạch sự cố phòng ngừa hoá chất, Hội đồng thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định. Đầu mối phối hợp với Bộ Công an triển khai thực hiện các quy định phòng cháy, chữa cháy trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công Thương đảm bảo quy định.
Về công tác quản lý an toàn điện, an toàn đập và hồ chứa thủy điện: Thực hiện quản lý nhà nước về an toàn điện theo Luật Điện lực và các quy định liên quan, Cục ATMT đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường công tác đảm bảo an toàn hệ thống điện quốc gia, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn sử dụng điện an toàn; cập nhật và báo cáo tai nạn điện và vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên phạm vi toàn quốc.
Ngoài ra, về công tác quản lý an toàn vận hành hồ chứa thủy điện, trong năm 2024, Cục ATMT đã tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện tại 40 công trình thủy điện thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP; Thông tư số 09/2019/TT-BCT về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện…
Theo ông Trịnh Văn Thuận, trong công tác quản lý an toàn khoáng sản và vật liệu nổ công nghiệp Cục ATMT đã tham mưu trình Lãnh đạo Bộ kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, cụ thể như: Đề nghị UBND các tỉnh có hoạt động khai thác than phối hợp chỉ đạo tăng cường công tác an toàn trong khai thác than. Đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo 5 năm triển khai thực hiện quản lý vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; tăng cường quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản.
Về công tác bảo vệ môi trường, Cục ATMT đã xây dựng và góp ý các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước, quản lý tài nguyên môi trường biển hải đảo, ứng phó sự cố môi trường...; Luật Tài nguyên nước sửa đổi, Nghị định sửa đổi Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai, biển hải đảo…
Đồng thời, triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường của Bộ Công Thương năm 2024; xây dựng Báo cáo kế hoạch và dự toán ngân sách cho các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Công Thương năm 2025 và giai đoạn 3 năm 2025-2027 và Danh mục nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Công Thương năm 2025…
Về phát triển công nghiệp môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn, Phó Cục trưởng báo cáo, Cục ATMT đã hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Lãnh đạo Bộ để Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường giai đoạn 2025-2035 tại Tờ trình số 9871/TTr-BCT ngày 5/12/2024.
“Tiếp tục thực hiện Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng. Xây dựng và góp ý văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án, chiến lược thuộc lĩnh vực công nghiệp môi trường, kinh tế tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng, quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, hàng hóa từ quá trình tái chế...”, ông Trịnh Văn Thuận bày tỏ.
Ông Phạm Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp phát biểu tiếp thu ý kiến tại Hội nghị.
Về công tác hợp tác quốc tế, trong năm 2024, Cục ATMT đã tổ chức Đoàn công tác tham dự Hội thảo với tổ chức Bureu Veritas - Pháp để trao đổi kinh nghiệm về quản lý an toàn công nghiệp trong nhà máy công nghiệp; tổ chức 3 đoàn công tác theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương tham gia các phiên đàm phán về Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.
Phối hợp cử đại diện tham gia các đoàn công tác tại Australia, Đan Mạch để trao đổi kinh nghiệm về nâng cao năng lực về chuyển đổi và lưu trữ năng lượng xanh trong ngành điện và năng lượng. Đồng thời, nghiên cứu áp dụng vào việc xây dựng các quy định an toàn về điện nói chung và hành lang an toàn điện gió phục vụ công tác xây dựng Luật Điện lực.
Về công tác truyền thông, theo ông Trịnh Văn Thuận, năm 2024, Cục ATMT đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan trong và ngoài Bộ triển khai tốt công tác truyền thông thường xuyên và đột xuất về kỹ thuật an toàn, bảo vệ môi trường trong ngành Công Thương.
Nỗ lực khắc phục khó khăn
Đánh giá về những khó khăn, tồn tại, Phó Cục trưởng chỉ ra, trong công tác bảo vệ môi trường: Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, trong đó có nhiều quy định mới về bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ, cụm công nghiệp... Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 hiện không quy định trách nhiệm về bảo vệ môi trường cho các Bộ, ngành và giao cho Chính phủ quy định.
“Do đó, công tác bảo vệ môi trường có nhiều thay đổi, với trách nhiệm là cơ quan đầu mối về bảo vệ môi trường của ngành Công Thương, Cục ATMT đã và đang tập trung vào việc góp ý, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường quốc gia cũng như hướng dẫn cho các đơn vị ngành Công Thương để đảm bảo thực thi các quy định về bảo vệ môi trường”, Phó Cục trưởng bày tỏ.
Bà Đỗ Phương Dung, Phó Cục trưởng, Chủ tịch Công đoàn Cục ATMT.
Ngoài ra, kinh phí cho các hoạt động, nhiệm vụ bảo vệ môi trường còn hạn chế, trong khi đó lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý rất rộng, đây là những khó khăn, thách thức chủ yếu trong công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới.
Trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và vật liệu nổ công nghiệp: Phạm vi quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản chưa đầy đủ, còn thiếu các quy định về quản lý nhà nước đối với khoáng sản kể từ khi bắt đầu công việc khai đào mở vỉa, xây dựng cơ bản, tổ chức sản xuất, gia công chế biến cho đến khi khoáng sản trở thành hàng hóa dẫn đến khó khăn trong quản lý nhà nước, lúng túng trong quản lý và tổ chức sản xuất tại doanh nghiệp.
Đối với khoáng sản, điều kiện khai thác ngày càng khó khăn hơn, đặc biệt khoáng sản than do phải đi xa hơn về các cánh của mỏ, xuống sâu hơn nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Công tác tuyên truyền giáo dục về ý thức tự chủ an toàn cho người lao động còn hạn chế, một số người lao động chưa ý thức đầy đủ trong việc chấp hành quy trình, quy phạm, quy định an toàn, còn làm bừa làm ẩu.
Ngoài ra, trong lĩnh vực khí dầu mỏ hóa lỏng, ông Trịnh Văn Thuận cho rằng, địa bàn kinh doanh các cửa hàng LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng) còn xen kẽ khu dân cư, còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mất an toàn. Vi phạm quy định trong quá trình sử dụng, còn tình trạng sử dụng chai chứa LPG quá hạn kiểm định; tình trạng hoán cải chai chứa LPG như: cắt tay xách, mài logo, chiếm dụng vỏ bình gây mất an toàn cho người sử dụng gas…
Trong công tác quản lý an toàn điện, an toàn đập, hồ chứa thủy điện, theo ông Trịnh Văn Thuận, an toàn điện trong dân còn diễn biến phức tạp do một bộ phận người dân, hộ kinh doanh vẫn chưa có ý thức trong vấn đề sử dụng điện an toàn. Các quy định của pháp luật hiện nay chủ yếu quản lý về an toàn điện trong công tác xây dựng, quản lý vận hành, truyền tải... chưa có quy định cụ thể đối với vấn đề an toàn điện trong dân.
“Khó khăn trong vận hành các nhà máy thủy điện như: hạ tầng mạng viễn thông, internet tới các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ ở vùng sâu, vùng xa thường xuyên bị gián đoạn thông tin, internet; hạ tầng giao thông đi lại khó khăn, dễ bị chia cắt khi có mưa lớn, lũ, sạt lở đất. Các nhà máy thủy điện nhỏ gần như không có cán bộ chuyên ngành về thủy điện, thủy lợi, xây dựng để phục vụ cho công tác vận hành, kiểm tra các hạng mục công trình”, Phó Cục trưởng cho hay.
Ông Nguyễn Văn Toán, Chánh Văn phòng Cục ATMT phát biểu tại Hội nghị.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và phê duyệt phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp trên 11 lưu vực sông và các nhánh sông suối khác còn chưa đầy đủ, do bản đồ ngập lụt chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/UBND tỉnh cấp đủ cho các đơn vị làm cơ sở xây dựng phương án.
Trong công tác giải quyết thủ tục hành chính, năm 2024, Cục ATMT đã giải quyết được 541 hồ sơ liên quan đến thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý. Việc giải quyết các thủ tục hành chính đảm bảo quy trình, thủ tục, thời gian theo quy định.
Ngoài ra, một số Nguyên Lãnh đạo Cục và Lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ Công Thương cũng tham gia phát biểu tại Hội nghị.
Ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp) phát biểu tại Hội nghị.
Ông Phạm Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp) phát biểu tại Hội nghị.
Ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực.
Bà Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công đoàn Bộ Công Thương.
Toàn cảnh Hội nghị.