Bộ Công Thương kiểm tra an toàn lao động tại các doanh nghiệp

Trong hai ngày 30 và 31/5/2024, Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương do Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT) chủ trì phối hợp với Công đoàn Công thương Việt Nam kiểm tra việc triển khai thực hiện Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động tại hai doanh nghiệp khai thác than hầm lò là Công ty than Uông Bí - TKV và Công ty Khe Sim, Đoàn do ông Phạm Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục ATMT làm Trưởng đoàn.

Ông Phạm Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (bên phải)

Đây là đợt kiểm tra thực hiện theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công Thương và nhiệm vụ quản lý nhà nước của Cục ATMT để kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế của các doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác than hầm lò nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong công tác ATVSLĐ đồng thời kiểm tra kết quả triển khai thực hiện Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024 (Tháng hành động) của các doanh nghiệp.

Cục trưởng Phạm Nguyên Hùng phát biểu tại cuộc họp.

Kết quả kiểm tra cho thấy hai doanh nghiệp đã chấp hành các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động Trung ương, các hướng dẫn và Kế hoạch của Bộ Công Thương về việc triển khai thực hiện Kế hoạch triển khai Tháng hành động cũng như Công văn số 3321/BCT-ATMT ngày 17/5/2024 của Bộ Công Thương về việc đảm bảo an toàn trong khai thác than như: Đã xây dựng Kế hoạch và tổ chức Lễ phát động Tháng hành động, các hoạt động, sự kiện chuyên đề, phong trào thi động lao động sản xuất, cải tiến sáng kiến, luyện tập PCCC và CNCH, chăm sóc khám sức khỏe, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, thăm hỏi tặng quà đối với đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đặc biệt là tăng cường kiểm tra, rà soát chấn chỉnh, bổ sung hoàn thiện các hồ sơ thiết kế kỹ thuật, sổ sách, nội quy, quy trình, biện pháp thi công, biện pháp an toàn, hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn lao động, thực hiện huấn luyện bồi dưỡng kỹ năng và phương pháp hoạt động cho mạng lưới an toàn vệ sinh viên trong Tháng hành động. Đồng thời các doanh nghiệp cũng xác định cụ thể phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện của mình trong thời gian tới như:
1. Tập trung tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa Tháng ATVSLĐ, Tháng công nhân tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và ý thức tuân thủ các quy định pháp luật, các quy trình, quy phạm về ATVSLĐ, các biện pháp làm việc an toàn tại từng vị trí sản xuất, bảo đảm cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ chủ động, tích cực, tự giác, chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các nội quy, quy trình, quy phạm, biện pháp ATVSLĐ.
2. Chú trọng làm tốt công tác huấn luyện AT- VSLĐ cho các đối tượng, trọng tâm là nâng cao kỹ năng phòng tránh, nhận diện đánh giá đầy đủ, toàn diện các nguy cơ rủi ro, tai nạn đảm bảo sản xuất an toàn. Tổ chức điều hành sản xuất khoa học, hợp lý sát với diễn biến thực tế các diện sản xuất; thường xuyên thực hiện tốt công tác kỹ thuật cơ bản, bảo đảm đầy đủ hồ sơ, thiết kế, biện pháp an toàn khi thi công ở từng công đoạn, vị trí sản xuất. Có các giải pháp KTAT tối ưu để ứng xử linh hoạt với diễn biến trong từng ca sản xuất; bảo đảm sản xuất ổn định, an toàn tuyệt đối về mọi mặt.
3. Tiếp tục kiên trì thực hiện nhất quán tư tưởng chỉ đạo “Nơi nào không an toàn, nơi đó không được bố trí công nhân vào làm việc”. Tổ chức ký cam kết thực hiện tốt công tác AT-VSLĐ-PCCN, giảm thiểu TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện lao động tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
4. Chủ động rà soát, bổ sung đầy đủ các nội quy, quy trình, biển báo, biển cấm, quản lý chặt chẽ các xe máy, thiết bị, vật tư, nhà kho, nhà xưởng, công trình, các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, VSLĐ theo quy định. Kiên quyết xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, làm không hết trách nhiệm hoặc chủ quan, để xảy ra sự cố, TNLĐ.
5. BCH Công đoàn cơ sở tích cực tham mưu đề xuất với Đảng ủy, Lãnh đạo đơn vị các biện pháp chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của Đoàn viên, CNVC-LĐ; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Cán bộ, Đoàn viên, CNVC- LĐ nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ.
Đoàn kiểm tra cũng đã quán triệt và đề nghị các đơn vị đã làm tốt công tác ATVSLĐ tiếp tục phát huy kết quả đạt được đồng thời cũng nhắc nhở các doanh nghiệp rà soát, khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong công tác ATVSLĐ như: Lựa chọn các khẩu hiệu tuyên truyền về ATVSLĐ thiết thực, ngắn gọn, phù hợp với vị trí, đối tượng cần tuyên truyền; Tăng cường huấn luyện an toàn cho các đối tượng là công nhân mới, công nhân người dân tộc thiểu số; Rà soát tài liệu huấn luyện, đảm bảo ngắn gọn, sát thực với công việc của đối tượng huấn luyện; Thường xuyên cập nhật văn bản quy phạm pháp luật để rà soát, chỉnh sửa đầy đủ các nội quy, quy định về kỹ thuật an toàn./.





Liên kết website